CHỜ ĐẾN MẪU GIÁO THÌ ĐÃ MUỘN
Một cuốn sách mà mình rất tâm đắc của Ibuka Masaru. Đây chính là cuốn sách nền tảng mà mình đã sử dụng để đồng hành cùng con gái trong những năm tháng đầu đời.
Ngày xưa đọc xong mình cũng chọn ra 3 điều để áp dụng triệt để với con. Kết quả là giúp con khai mở được rất nhiều tiềm năng sẵn có.
Bây giờ khi có Bơ, mình lại một lần đọc lại, ôn lại để chuẩn bị cho một chặng đường mới. Mình tin rằng cuốn sách này sẽ giúp chặng đường nuôi dạy con của rất nhiều ba mẹ đạt được những kết quả mỹ mãn.
Bởi bất cứ đứa trẻ nào cũng có những tiềm năng vượt trội. Quan trọng là cha mẹ phải biết cách song hành và tạo môi trường thuận lợi để trẻ bộc lộ những tiềm năng ấy.
Mình cũng xin nhấn mạnh lại lần nữa “thai giáo” hay “giáo dục sớm” không phải là nhồi nhét kiến thức, ép buộc để con trở thành thiên tài nhanh chóng mà nó chỉ đơn giản là giúp con phát triển những tố chất và tiềm năng đang có sẵn trong con mà thôi.
1. Phát triển trí tuệ cho con từ 0-3 tuổi
Giai đoạn từ 0-3 tuổi được gọi là thời kỳ thích hợp. Bởi đây là giai đoạn quyết định năng lực và tính cách của trẻ. Giai đoạn này có 70-80% sự kết nối giữa các tế bào não được hoàn thiện. Vậy nên nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn vàng này thì sẽ vô cùng đáng tiếc.
Một điểm nữa mà mình cũng rất tâm đắc chính là cha mẹ thường phân biệt sai hai giai đoạn, đó là giai đoạn nghiêm khắc và giai đoạn tự do. Trong khi cần nghiêm khắc ta lại để trẻ rất tự do, còn giai đoạn cần tôn trọng cá tính, ý chí của con ta lại áp đặt.
Giai đoạn mà cha mẹ cần nghiêm khắc với trẻ chính là giai đoạn từ 0-3 tuổi. Dĩ nhiên không phải là thét ra lửa hay quát mắng con mà chính là xây dựng và nuôi dưỡng cho trẻ những nguyên tắc đúng đắn. Đâu là điều ta khuyến khích trẻ làm, đâu là điều mà trẻ phải tránh xa. Ta cần làm rõ và từng bước định hướng để trẻ hiểu trong 3 năm đầu đời.
Để đến khi trẻ được 3 tuổi, lúc này ta lại cần tôn trọng ý chí của trẻ. Nhiều cha mẹ thường để trẻ tự do thích làm gì thì làm trong 3 năm đầu đời để đến khi trẻ đi học mầm non bắt đầu trở thành mẹ Hổ – nghiêm khắc, cứng rắn và làm trẻ sợ hãi.
Mục cuối cùng rất thú vị trong phần này chính là nhận thức nguyên mảng của trẻ. Đây cũng là phần mà mình đã được đọc ở rất nhiều cuốn sách gần đây.
Từ 0-3 tuổi là thời kỳ trẻ sử dụng não phải một cách mạnh mẽ. Vậy nên, trẻ sẽ nhớ và phân biệt được nguyên mảng các sự vật trong não thông qua hình ảnh trẻ chụp được trong đầu.
Do đó thời kỳ này trẻ có thể tiếp thu mọi kiến thức, từ học bơi, học ngoại ngữ, học đàn, cho đến thơ ca và âm nhạc. Cha mẹ hãy đọc cho trẻ nghe thật nhiều các bài thơ, ca dao, tục ngữ có vần điệu để kích thích sự phát triển đại não của trẻ.
Cốm nhà mình ngày xưa mẹ hay hát và mở nhạc cho nghe nên hơn 2 tuổi nàng ấy có thể hát đúng lời, đúng nhạc, đúng tiết tấu của bài hát. Ai cũng tưởng nàng ấy biết chữ nhưng thực tế là do con sử dụng trí nhớ nguyên mảng mà thôi.
2. Tạo ra môi trường để trẻ phát huy khả năng
Năng lực của trẻ không được quyết định bởi di truyền mà là bởi môi trường và giáo dục. Vậy nên thời kỳ này, cha mẹ là những người gắn bó sâu sắc với trẻ phải nhận diện được trẻ muốn, hay thích điều gì để tạo ra môi trường nhằm nuôi dưỡng tài năng của trẻ.
Mình ví dụ, bạn nhà mình rất thích âm nhạc vậy nên mình mở đa dạng các thể loại cho con nghe. Thậm chí khi đi tắm còn hát cho con nghe giai điệu, lâu dần nó đã thấm vào trong tâm trí con. Vài hôm sau con đã có thể song ca cùng mẹ bài hát ấy.
Điều tiếp theo mà cha mẹ cần lưu ý chính là những trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này. Đặc biệt là phần ngôn ngữ mà cha mẹ hoặc ông bà dùng để giao tiếp với trẻ. Nhiều mẹ cứ nghĩ trẻ bé nên toàn nói theo kiểu ngọng ngọng để chơi đùa cùng con.
Tuy nhiên cách làm này rất nguy hiểm, bởi những điều cha mẹ nói sẽ trở thành đường mòn ngôn ngữ trong tâm trí trẻ. Sau này khi trẻ tập nói sẽ rất khó để sửa đường mòn này.
Đó là lý do rất nhiều bạn nói ngọng ngay từ bé trong khi bố mẹ đều nói giọng chuẩn. Họ không biết là khi con còn bé chính bố mẹ đã làm méo mó ngôn ngữ đầu vào của trẻ bằng cách nói sai đi âm tiết và vần điệu.
Đây cũng là lý do ngày mình sinh Cốm, mình yêu cầu cả nhà đều phải dùng giọng phổ thông để giao tiếp với con. Mình và chồng luôn làm gương, sau này khi con biết nói, con đã nói được rất nhiều từ mà không hề bị ngọng hay giọng địa phương.
Cha mẹ hoặc những người trực tiếp chăm trẻ hãy trò chuyện với trẻ như một người lớn. Đừng nghĩ trẻ bé không hiểu gì, thực chất đây là giai đoạn mà nền móng về tư duy, ngôn ngữ và hành động phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ.
Tiếp theo là cha mẹ cần dành thời gian để quan tâm, yêu thương và khích lệ trẻ. Tránh việc để trẻ cho người khác chăm sóc, nếu họ hay trò chuyện, yêu thương trẻ thì không sao. Ngược lại nếu họ cho trẻ vào phòng và để trẻ xem ti vi cả ngày thì sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về sau.
Mình đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng như vậy trong thực tế. Trẻ từ hoạt bát, hiếu động trở nên u lì và vô hồn. Cha mẹ lúc ấy có hối hận cũng đã muộn màng.
3. Vai trò quan trọng của người mẹ
Người cha hay người mẹ đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Thế nhưng quan trọng và có tác động mạnh mẽ hơn cả chính là người mẹ. Nếu người mẹ không coi trọng quá trình nuôi dạy con, không có mục tiêu ngay từ đầu thì rất khó để giúp trẻ phát triển một cách khoẻ mạnh và toàn diện.
Người mẹ cần xác định được xem bản thân muốn nuôi dạy con trở thành người như thế nào? Mong muốn con sở hữu những tính cách, phẩm chất gì? Từ đó tìm ra phương hướng và cách thức để song hành cùng con.
Song song với đó người mẹ cũng cần xác định rõ, nuôi dạy con là một công việc cao cả, cần phải nỗ lực, tận tâm và học hỏi liên tục. Chỉ có như vậy, người mẹ mới dần hoàn thiện cả về kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ trong quá trình song hành cùng con.
Đây cũng là giai đoạn cha mẹ và con cái gắn kết sâu sắc. Trẻ không những cảm nhận được tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình mà còn học được cách tin tưởng, thiết lập mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đó là nền móng để trẻ phát triển những mối quan hệ trong tương lai.
Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp cha mẹ có thêm những kiến thức hữu ích để đồng hành với con yêu của mình. Đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời của trẻ bởi “chờ đến mẫu giáo thì đã muộn“.